Kỳ vọng của giáo viên và gia đình khiến nhiều học sinh bị ngộp thở trước kỳ thi, một số trường hợp phải nhập viện vì quá căng thẳng.
Đầu tháng 6, Viện Sức khỏe Tâm thần Bạch Mai tiếp nhận Sơn 18 tuổi, mắc chứng rối loạn lo âu, stress do áp lực thi cử. Em nhập viện trong tình trạng vã mồ hôi, run tay chân, choáng đầu, hồi hộp, căng thẳng, kèm ăn kém, ngủ ít. Gần đây, Sơn tập trung ôn thi vào Học viện Ngân hàng, nhưng bố mẹ cho rằng nguyện vọng này cao hơn sức học của em, khiến Sơn thêm chán nản.
Người nhà cho biết từ nhỏ Sơn đã trầm tính, nhút nhát, ít chia sẻ cảm xúc. Năm cấp một, Sơn học tại trường công lập, học lực trung bình. Lên cấp hai, bố mẹ chuyển em đến trường quốc tế, song Sơn luôn tự ti vì điều kiện lẫn học lực đều thua kém bạn bè. Em cũng ngại tham gia các hoạt động nhóm, chỉ thích ở một mình.
Đến lớp 7, Sơn thường xuyên mệt mỏi, giảm tập trung học tập nên bố mẹ đưa đi khám tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Bác sĩ chẩn đoán rối loạn lo âu, kê đơn thuốc điều trị trong 20 ngày. Sau đó, gia đình chuyển em về trường công lập học để giảm bớt áp lực. Tuy nhiên, trước mỗi kỳ thi hoặc mâu thuẫn bạn bè, Sơn lại stress, có biểu hiện run tay chân, cảm giác choáng váng, lo âu, sợ hãi vô cớ.
Lần này, các bác sĩ dùng liệu pháp tâm lý kèm thuốc để em giảm để giảm lo âu, căng thẳng, chuẩn bị tinh thần vượt vũ môn.
Cũng không kiểm soát được cảm xúc trước kỳ thi, Nam 18 tuổi, ở Hà Nội, thường xuyên cấu véo lên tay chân để thấy dễ chịu. Từng là học sinh ngoan giỏi, nhưng hơn một năm nay, em có biểu hiện khó kiềm chế cảm xúc, hay cãi bố mẹ, trong đầu luôn xuất hiện những ý tưởng và hành vi chống đối, thậm chí có nhiều trò nghịch ngợm và trêu đùa quá khích với bạn bè.
Gần đây, Nam chán nản vì không theo được guồng ôn thi ở trường, giảm hứng thú. Sợ bố mẹ lo lắng, em cố gắng học để phụ huynh không buồn, “nhưng càng học càng không vào”. Gia đình đưa em đến Bệnh viện Bạch Mai trong tình trạng mệt mỏi, luôn cảm thấy áp lực vì không biết mục đích học để làm gì, tay chân nhiều vết bầm.
Trả lời VnExpress chiều 7/6, tiến sĩ Trần Thị Hà An, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho biết bất cứ thời điểm nào trong năm đều có học sinh đến khám vì căng thẳng do thi cử. Tuy nhiên, trước thời điểm quan trọng như thi đại học, chuyển cấp, tỷ lệ học sinh đi khám tăng gấp ba đến bốn lần, chưa kể các cuộc gọi tư vấn. Hầu hết trường hợp đều áp lực giống Nam và Sơn, song mức độ và biểu khác nhau, tùy giai đoạn chuẩn bị, trong và sau thi.
“Áp lực mùa thi là một stress cấp tính cuối cùng – giọt nước tràn ly khiến trẻ căng thẳng nặng nề kèm rối loạn lo âu, tâm thần rõ nét hơn”, bác sĩ nói.
Cùng quan điểm, Tiến sĩ Dương Minh Tâm, Trưởng phòng Rối loạn Stress và Sức khỏe tình dục, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, cho rằng áp lực mùa thi làm stress trở nên trầm trọng hơn. Đặc biệt, trẻ học khá, giỏi, được gia đình kỳ vọng càng dễ căng thẳng. Nhiều trẻ đến khám với biểu hiện lo âu, rối loạn tâm lý do bị bố mẹ bỏ bê, thiếu quan tâm hoặc mâu thuẫn bạn bè. Một số trường hợp khác được sống trong gia đình đầy đủ, bố mẹ kỳ vọng quá mức dẫn đến “ngộp thở”.
Tuy nhiên, “đây chỉ là phần ngọn, bởi việc trẻ bị stress, căng thẳng có thể kéo dài hàng năm, do nhiều áp lực gây nên”, bác sĩ nói. Trong nghiên cứu của bác sĩ Tâm năm 2019-2020, với hàng nghìn trẻ từ 10 đến 19 tuổi tại Bệnh viện Nhi Trung ương, có hơn 55% trẻ bị sang chấn tâm lý. Trong đó, 20% bị áp lực học tập 20%, 20,5% bị áp lực gia đình và 8,9 % áp lực trong quan hệ bạn bè.
Theo tổ chức nghiên cứu và hỗ trợ sức khỏe tâm thần cho trẻ vị thành niên Young Minds (Anh), giai đoạn 2017-2021, số trẻ 5-16 tuổi mắc bệnh tâm lý đã tăng lên 50%, cứ 6 thanh thiếu niên có một em gặp các vấn đề về tâm lý.
Gần đây, tình trạng trẻ bị stress, trầm cảm đang gia tăng, gặp nhiều nhất ở lứa tuổi 14 và 17. Nghiên cứu năm 2012 của Tổ chức Blum tại Hà Nội, nhóm 15-19 tuổi tỷ lệ có yếu tố tự sát và toan tự sát cao hơn nhóm 20-24 tuổi. Đến năm 2020, nghiên cứu trên 6.400 học sinh 13-17 tuổi cho thấy 11% có ý tưởng tự sát trong vòng một năm.
“Việc khoác cho trẻ nhiều trách nhiệm đôi khi khiến trẻ bị dội ngược, dễ rơi vào trạng thái trầm cảm, căng thẳng hơn”, bác sĩ nói.